Lý do không thể “đảo ngược Ethereum” để khắc phục vụ hack Bybit

0
10

Cộng đồng tiền mã hóa trong những giờ qua đang chia rẽ về những lời kêu gọi đảo ngược blockchain Ethereum để thu hồi lượng 1,4 tỷ USD ETH bị lấy cắp từ vụ hack sàn Bybit.

Lý do không thể “đảo ngược Ethereum” để khắc phục vụ hack Bybit. Ảnh: BTC-Echo

Như đã được Coin68 đưa tin, thị trường tiền mã hóa vừa chứng kiến vụ hack sàn nghiêm trọng nhất lịch sử, với hơn 401.000 ETH (trị giá 1,46 tỷ USD) bị bòn rút khỏi Bybit vào tối hôm 21/02.

Vì thủ phạm được cho là nhóm tin tặc Lazarus Group của Triều Tiên, do đó xác suất thu hồi tài sản hiện đang là không cao và khiến Bybit phải đối mặt với thiệt hại khổng lồ, cũng như thị trường tiền mã hóa có nguy cơ chịu một lượng ETH sắp được xả ra.

Do vậy, đã có nhiều lời kêu gọi Ethereum nên “rollback” (đảo ngược blockchain) về trước thời điểm vụ tấn công xảy ra để khắc phục hậu quả.

Đề xuất này được gây chú ý bởi Arthur Hayes, KOL nổi tiếng trong ngành, sau đó cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhân vật khác, trong đó có đồng sáng lập Solana Raj Gokal.

Những người cổ vũ cho đề xuất đã nhắc lại đến sự kiện The DAO Hack vào năm 2016, khi 15% lượng cung ETH lưu hành khi đó bị kẻ xấu chiếm quyền kiểm soát, buộc Ethereum phải tiến hành hard fork để vô hiệu vụ tấn công. Tuy nhiên, vụ việc đã gây chia rẽ sâu rộng trong cộng đồng Ethereum khi ấy, với bộ phận muốn giữ nguyên tính phi tập trung và bất biến của blockchain không đồng ý hard fork, từ đó xuất hiện chain Ethereum Classic, vốn vẫn công nhận sự kiện The DAO Hack diễn ra.

Quay trở lại với câu chuyện chính, đề xuất “rollback” đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng người ủng hộ Ethereum, những người cho rằng đây về bản chất là một chiến dịch “bôi nhọ” nhằm đánh vào sự phi tập trung và trung lập của blockchain lớn thứ hai thế giới đến từ phe Bitcoin và Solana.

Tim Beiko, nhà phát triển làm việc cho Ethereum Foundation, đã đăng tải một bài viết dài để làm rõ sự việc, cũng như đưa ra ý kiến vì sao Ethereum ở thời điểm hiện tại không thể tiến hành “rollback”.

Thực tế thì khái niệm rollback lần đầu xuất hiện với Bitcoin khi blockchain lớn nhất thế giới gặp lỗi “value overflow” vào năm 2010, khiến tổng cung tăng phồng lên mức 184 tỷ BTC thay vì 21 triệu BTC. Nhà sáng lập Bitcoin Satoshi Nakamoto lúc đó đã phải tung ra một bản vá cho phần mềm client xác thực giao dịch, về bản chất vô hiệu hóa những giao dịch xảy ra sau khi tổng cung bị điều chỉnh. Cập nhật này đã khiến blockchain bị đảo ngược về trước thời điểm lỗi xuất hiện.

Ông Beiko lưu ý rằng sở dĩ Bitcoin có thể làm được vậy là bởi đó là năm 2010, khi BTC vẫn mới chỉ có giá 0,07 USD và không nhận được nhiều chú ý cũng như giao dịch sôi nổi.

Thực tế với Ethereum thì lại hoàn toàn trái ngược khi mạng lưới smart contract lớn nhất thế giới hiện đã có hàng trăm nghìn ứng dụng hoạt động, phục vụ hàng triệu người dùng giao dịch cả on-chain lẫn off-chain. Việc đảo ngược blockchain về trước vụ hack Bybit không chỉ cần sự phối hợp của tất cả các thành phần tham gia hệ sinh thái, mà còn đòi hỏi không ít người trong đây phải từ bỏ những lợi ích mà họ đã nhận được trong những giờ sau vụ hack, điều mà không phải ai cũng sẽ đồng ý để nâng cấp đạt được tỷ lệ ủng hộ đa số.

Ngoài ra, điểm khác giữa vụ hack Bybit với The DAO Hack còn nằm ở bản chất vụ việc. Trong khi The DAO Hack tuy đúng là có độ nghiêm trọng lớn hơn nhiều với 15% lượng cung ETH bị tác động, nhưng số ETH này lại bị khóa trong smart contract của The DAO trong vòng 1 tháng trước khi có thể khả dụng, giúp đội ngũ Ethereum và cộng đồng có thêm thời gian để lên phương án giải quyết và phối hợp với những bên cần thiết để đạt đồng thuận đa số.

Ngược lại, hacker Bybit lấy đi hơn 401.000 ETH và được tự do sử dụng số tiền này ngay lập tức mà không có ràng buộc nào thêm, thậm chí đã bắt đầu rửa một phần số tiền sang BTC. Do đó, vụ việc ngay từ đầu đã có tính liên đới, và càng chờ lâu thì lợi ích phải đánh đổi để đảo ngược blockchain sẽ ngày càng lớn.

Ông Tim Beiko vì thế đi đến kết luận Ethereum sẽ không thể đảo ngược chain để giải quyết vụ tấn công Bybit, làm rõ những tranh cãi xuất hiện trên cộng đồng trong những ngày qua. Mặc dù vậy, nhà phát triển của Ethereum Foundation vẫn không loại trừ khả năng Ethereum vẫn có thể tiến hành một cập nhật trạng thái blockchain đột xuất (irregular state change) để đóng băng số tiền có trong ví của hacker, nhưng vẫn có thể thực hiện bởi ngay khi thông báo thì hacker có thể dễ dàng chuyển tiền sang ví khác né bị đóng băng.

Ngoài ra, cộng đồng Ethereum trước đây cũng từng bác bỏ những đề xuất irregular state change để khôi phục tài sản vô tình bị đóng băng, đương cử là vụ ví multisig của Parity bị lỗikhóa cứng hơn 510.000 ETH vào năm 2017, và đã bị cộng đồng bác bỏ đề xuất giải phóng số tiền này.

Một số cũng nhanh chóng đào lại phản ứng của nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin vào thời điểm tháng 12/2022, khi Solana vừa trải qua cú sập FTX và đứng trước nguy cơ trở thành “dead chain”. Khi đó thì Vitalik vẫn tin rằng Solana vẫn có tiềm năng trở lại khi vẫn sở hữu cộng đồng lập trình viên tài năng và đã loại bỏ được những thành phần xấu. 

Coin68 tổng hợp

Nguồn: https://coin68.com/ly-do-khong-the-dao-nguoc-ethereum-de-khac-phuc-vu-hack-bybit/