Ở giao điểm giữa luật pháp, công nghệ và chính trị, câu hỏi đặt ra là: Liệu NFT có được trao cơ hội phát triển như một lớp tài sản độc lập, hay sẽ bị bóp nghẹt bởi khung pháp lý cũ?
OpenSea phản pháo SEC: NFT không phải chứng khoán. Ảnh: Blockworks
OpenSea, nền tảng NFT hàng đầu thế giới, đang chủ động “phản công” về mặt pháp lý. Ngày 09/04, đại diện pháp lý của công ty đã gửi thư đến Ủy viên SEC Hester Peirce, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) làm rõ các sàn giao dịch NFT như OpenSea không nên bị quản lý như sàn chứng khoán hay tổ chức môi giới.
Nội dung thư OpenSea gửi lên SEC
Động thái này diễn ra chỉ vài tháng sau khi SEC quyết định dừng cuộc điều tra kéo dài nhằm vào OpenSea vì nghi ngờ vi phạm luật chứng khoán. Trong thư, OpenSea lập luận họ không đáp ứng định nghĩa pháp lý của một sàn giao dịch, bởi tổ chức không trực tiếp thực hiện giao dịch, không đóng vai trò trung gian, không tư vấn đầu tư, không đàm phán thỏa thuận hay lưu ký tài sản khách hàng.
OpenSea mô tả mình là một “chợ kỹ thuật số”, nơi người dùng tự khám phá, kết nối và giao dịch NFT, chứ không phải một “trading floor” theo mô hình tài chính truyền thống. Việc gán nhãn họ là sàn chứng khoán hoặc broker, theo OpenSea, là một hành vi vượt quá thẩm quyền pháp lý của SEC.
Không dừng lại ở đó, công ty còn kêu gọi SEC miễn trừ hoàn toàn các sàn NFT khỏi quy định môi giới đang được đề xuất, mở ra tiền lệ pháp lý cho toàn ngành.
Thư của OpenSea xuất hiện đúng lúc SEC đang thể hiện thái độ mềm mỏng hơn với ngành crypto, đặc biệt sau khi các cuộc điều tra lớn nhằm vào nhiều công ty, bao gồm cả OpenSea, bị đình chỉ trong hai tháng qua. Lập trường mềm mỏng này không tách rời khỏi chiến lược chính sách của Donald Trump, người được cho là đã tích cực thu hút lá phiếu từ cộng đồng crypto trước thềm bầu cử 2024.
Tuy nhiên, không ít người hoài nghi liệu ông Trump có thực sự quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành, hay chỉ đơn thuần tìm cách trục lợi chính trị và tài chính từ cơn sốt tài sản số.
Bất chấp sự bùng nổ của Bitcoin và làn sóng tăng trưởng của DeFi, NFT vẫn loay hoay tìm lại sức sống trong nhiều năm qua. Trong 2024, khối lượng giao dịch NFT đã giảm 19%, số lượng giao dịch giảm 18%, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Tình trạng suy thoái này là kết quả của sự mất mát niềm tin nơi nhà đầu tư đối với các tài sản số mang tính sưu tầm, nghệ thuật và game hóa.
Nhìn chung, cuộc đối đầu giữa OpenSea và SEC cho thấy cuộc chiến định danh pháp lý cho NFT vẫn chưa kết thúc. Nếu SEC quyết định coi các nền tảng NFT là broker hay sàn chứng khoán, hệ quả sẽ rất nghiêm trọng: hàng loạt dự án NFT có thể bị đóng cửa, đối mặt với nghĩa vụ pháp lý nặng nề, đồng thời bóp nghẹt không gian sáng tạo của ngành.
Ngược lại, nếu cơ quan quản lý lắng nghe đề xuất từ OpenSea, đây có thể là một cột mốc quan trọng mở ra làn sóng hợp pháp và ổn định hóa không gian NFT, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư và builder đang mất phương hướng sau chuỗi ngày dài điều chỉnh.
Coin68 tổng hợp
Nguồn: https://coin68.com/opensea-phan-phao-sec-nft-khong-phai-chung-khoan/