Bithumb tái cấu trúc để chuẩn bị cho IPO

0
14

Bithumb khởi động lại kế hoạch tái cấu trúc khi chia tách bộ phận không phải sàn giao dịch thành một thực thể riêng biệt, để chuẩn bị cho IPO dự kiến vào cuối 2025.

Bithumb tái cấu trúc để chuẩn bị cho IPO

Theo tuyên bố ngày 21/04 trên hệ thống thông tin điện tử chính thức DART của Hàn Quốc, sàn Bithumb đang rục rịch nối lại kế hoạch chia tách thành hai thực thể riêng biệt, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/07/2025. 

Việc chia tách nhằm mục đích phân chia và củng cố lại các bộ phận kinh doanh của sàn giao dịch nhằm hướng đến mục tiêu chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối 2025.

Bộ phận không phải sàn giao dịch sẽ được tách thành thực thể độc lập, tạm gọi là Bithumb A dù chưa có tên tiếng Anh chính thức.

Sàn giao dịch cho biết:

Sàn giao dịch khẳng định việc tái cấu trúc cũng nhằm mục đích tối đa hóa hiệu quả doanh nghiệp, bằng cách nâng cao chuyên môn và khả năng cạnh tranh của từng bộ phận kinh doanh.

Theo thông báo, tỷ lệ phân phối cổ phần giữa Bithumb hiện tại và thực thể mới sẽ là khoảng 56:44.

Việc rạch ròi giữa các bộ phận kinh doanh là yếu tố cần thiết để một doanh nghiệp có thể tuân thủ pháp lý tốt hơn, và hướng đến các tiêu chuẩn IPO. Hậu quả thấy rõ nhất của việc không tách bạch các hoạt động là FTX/Alameda Research khi dòng tiền bị trộn lẫn giữa hai thực thể là sàn giao dịch và quỹ đầu tư.

Như Coin68 đưa tin, Bithumb Hàn Quốc đạt lợi nhuận ròng 110 triệu USD trong năm 2024, tăng vọt 560% so với năm trước, trong khi doanh thu cũng tăng gần gấp ba lần.

Trước khi ghi nhận cú lội ngược dòng trong năm 2024, Bithumb đã từng chìm trong một loạt bê bối kéo dài suốt gần một thập kỷ:

– 2018: Sàn phải tạm ngừng nạp rút trong thời gian dài do bị hack với thiệt hại lên đến 30 triệu USD.

– 2019: Nghi ngờ bị hacker tấn công, thất thoát hơn 20 triệu USD, chủ yếu là token EOS và XRP.

– 2020–2023: Bị cơ quan thuế và cảnh sát Hàn Quốc liên tục khám xét, liên quan đến cáo buộc trốn thuế và các sai phạm của cựu chủ tịch Lee Jung-Hoon.

– 2024: Hai cá nhân bị truy tố vì thao túng giao dịch token ACE trên Bithumb, kiếm lợi bất chính 5 triệu USD từ hoạt động bơm thổi giá ảo.

Chính chuỗi bê bối này không chỉ khiến niềm tin người dùng bị sứt mẻ, mà còn làm Bithumb tụt lại phía sau đối thủ lớn nhất trong nước là Upbit, cả về thị phần lẫn mức độ tín nhiệm từ giới chức quản lý.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020, Bithumb đã bắt đầu một cuộc cải tổ toàn diện, với mục tiêu phục hồi uy tín và tái xây dựng niềm tin từ cộng đồng người dùng sau chuỗi khủng hoảng kéo dài.

Dù đang trên đà hồi phục mạnh mẽ, Bithumb vẫn còn một khoảng cách khá xa để bắt kịp sàn giao dịch Upbit, ông vua không ngai của thị trường crypto Hàn Quốc. 

Theo dữ liệu được công bố, Upbit đã thu về 671 triệu USD lợi nhuận ròng trong năm 2024, tăng 85% so với năm trước. Lợi nhuận vận hành của sàn thậm chí còn cao hơn, chạm mốc 809 triệu USD – gấp hơn 6 lần con số mà Bithumb đạt được trong cùng kỳ.

Sự cách biệt về “đẳng cấp” giữa hai sàn giao dịch có thể thấy rõ ở “hiệu ứng niêm yết Upbit”. Thời gian gần đây hầu hết các đồng coin được thông báo niêm yết với cặp KRW (đồng Won Hàn Quốc) trên Upbit đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử như DeepBook (DEEP) vào trưa ngày 22/04.

Coin68 tổng hợp

Nguồn: https://coin68.com/bithumb-tai-cau-truc-de-chuan-bi-cho-ipo/