Các đại gia ngân hàng Mỹ bắt tay phát triển stablecoin chung

0
4

Các ngân hàng hàng đầu của Mỹ được cho là đang tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ nhằm thành lập một liên minh phát hành stablecoin chung.

Các đại gia ngân hàng Mỹ bắt tay phát triển stablecoin chung

Theo thông tin từ Wall Street Journal, nhiều tổ chức tài chính hàng đầu như JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo cùng các công ty thanh toán mà họ đồng sở hữu bao gồm The Clearing House và Early Warning Services LLC đang thảo luận về khả năng hợp tác để cùng phát hành stablecoin chung.

Các cuộc trao đổi hiện mới chỉ dừng lại ở cấp độ ý tưởng, chưa có bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào được công bố. Tuy nhiên, nếu được triển khai, đây sẽ là một trong những liên minh nổi bật nhất từng được hình thành giữa giới ngân hàng truyền thống với mục tiêu phát triển trên blockchain.

Điểm đáng chú ý là mô hình stablecoin này được thiết kế không chỉ để phục vụ nhóm ngân hàng sáng lập mà còn có thể mở rộng cho các ngân hàng khác trong hệ thống tài chính Mỹ cùng sử dụng. Nếu thành công, đây có thể trở thành nền tảng cho một “mạng lưới thanh toán số toàn quốc”, giúp các giao dịch giữa các ngân hàng trở nên nhanh chóng, minh bạch và an toàn hơn nhờ vào sức mạnh của công nghệ blockchain.

Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng nhỏ và địa phương khó có thể tự xây dựng một liên minh stablecoin riêng do còn hạn chế về công nghệ, nguồn lực tài chính và tầm ảnh hưởng trong giới lập pháp. Chính vì thế, nước đi này của các “ông lớn” không chỉ là sự thích nghi với thị trường crypto, mà còn thể hiện tham vọng định hình và dẫn dắt sân chơi stablecoin trong ngành ngân hàng tại Mỹ.

Bên cạnh đó, động thái này được cho là phản ứng trực tiếp trước sự phát triển mạnh mẽ của stablecoin, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump công khai ủng hộ tiền mã hoá trong chiến dịch tranh cử cũng như các chính sách điều hành đầu nhiệm kỳ. 

Stablecoin hiện đóng vai trò quan trọng trong thế giới tiền mã hoá, vừa giúp người dùng lưu trữ giá trị, vừa là công cụ chính để giao dịch các token khác. Ngoài ra, stablecoin còn được xem là giải pháp tiềm năng cho các giao dịch xuyên biên giới – vốn là điểm yếu của hệ thống ngân hàng truyền thống khi các giao dịch quốc tế thường mất vài ngày để xử lý.

Mặc dù, không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng tham gia cuộc chơi này. Những lo ngại về rửa tiền, tính bảo mật và thiếu khung pháp lý rõ ràng khiến nhiều tổ chức vẫn còn thận trọng. Đặc biệt, nếu các công ty công nghệ lớn hoặc nhà bán lẻ gia nhập thị trường stablecoin, áp lực cạnh tranh lên ngành ngân hàng sẽ ngày càng lớn.

Sự thành bại của liên minh stablecoin ngân hàng Mỹ phụ thuộc rất lớn vào tiến trình của GENIUS Act, dự luật đang được Thượng viện Mỹ đưa vào phiên thảo luận toàn diện sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 66-32. Đây là dự luật được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho khung pháp lý quốc gia đầu tiên về stablecoin tại Hoa Kỳ.

GENIUS Act, viết đầy đủ là Guiding and Establishing National Innovation for U.S. Stablecoins Act, quy định rằng các stablecoin phải được bảo chứng hoàn toàn bằng đồng USD hoặc các tài sản thanh khoản tương đương như trái phiếu chính phủ. Đồng thời, các đơn vị phát hành có vốn hóa từ 50 tỷ USD trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm toán định kỳ, đăng ký và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống rửa tiền.

Dù được sự ủng hộ từ nhiều nghị sĩ và cộng đồng crypto, dự luật này vẫn vấp phải một số tranh cãi. Đặc biệt, một nhóm nghị sĩ Đảng Dân chủ đã yêu cầu làm rõ mối liên hệ giữa Tổng thống Trump và dự án Defi World Liberty Financial hiện đang triển khai stablecoin USD1.

Việc các ngân hàng lớn bắt đầu nghiêm túc cân nhắc phát hành stablecoin cho thấy ranh giới giữa tài chính truyền thống và thế giới tài sản số đang dần xóa nhòa. Trong bối cảnh stablecoin ngày càng đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái blockchain, sự tham gia của các tổ chức tài chính lâu đời có thể sẽ mở ra một chương mới cho thị trường crypto.

Coin68 tổng hợp

Nguồn: https://coin68.com/cac-dai-gia-ngan-hang-my-bat-tay-phat-trien-stablecoin-chung/