Căng thẳng lại bùng lên trong cộng đồng SkyDAO (trước đây là MakerDAO) khi một đề xuất khẩn cấp được thông qua chỉ trong 24 giờ, gây chia rẽ dư luận.
Đề xuất khẩn cấp của Sky (MakerDAO) gây tranh cãi về quyền lực và rủi ro quản trị
Sky Protocol (trước đây là MakerDAO) đang đối diện nhiều chỉ trích gay gắt sau khi một đề xuất khẩn cấp được thông qua, thay đổi đáng kể các quy tắc vay USDS đối với những người nắm giữ MKR. Được trình bày như một động thái cần thiết để bảo vệ sự ổn định của giao thức nhưng quyết định này gây ra tranh cãi về tính minh bạch, quy trình quản trị và rủi ro thâu tóm quyền lực trong giao thức.
Ngày 19/02/2025, một đề xuất khẩn cấp mang tên “Out-of-Schedule Executive Proposal for Community Security” bất ngờ được trình lên Sky Governance mà không có nhiều thông tin chi tiết ban đầu.
Đề xuất này bao gồm nhiều thay đổi quan trọng đối với hệ thống vay USDS bằng tài sản thế chấp MKR, cụ thể:
Những thay đổi này được thực hiện với mục tiêu củng cố hệ thống và ngăn chặn các cuộc tấn công quản trị. Tuy nhiên, đề xuất đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng Sky ngay sau khi được thông qua trong chưa đầy 24 giờ.
Ngay sau khi thông tin về đề xuất này được công bố, một trong những thành viên nổi bật của cộng đồng Sky – PaperImperium, thuộc GFX Labs – đã đăng tải trên X cảnh báo rằng thay đổi này sẽ “vượt mặt quy trình quản trị thông thường” và tiềm ẩn nguy cơ thao túng quyền lực.
PaperImperium lập luận rằng đề xuất này có tác động tăng hơn 2 lần hạn mức vay cho những người nắm giữ MKR, đồng thời nâng tỷ lệ vay trên giá trị (LTV) từ 50% lên 80%, làm dấy lên lo ngại dẫn tới rủi ro thanh khoản, tương tự như khoản vay thế chấp bằng CRV của nhà sáng lập Curve bị thanh lý vào năm 2024 và quan trọng nhất nó đã bỏ qua quy trình quản trị tiêu chuẩn.
Điều gây tranh cãi hơn nữa là trong suốt quá trình bỏ phiếu, PaperImperium cùng nhiều thành viên khác đã bị khóa tài khoản trên Discord và diễn đàn của SkyDAO, khiến họ không thể tham gia tranh luận hoặc phản đối.
Thêm vào đó, PaperImperium còn liệt kê năm đề xuất mà GFX Labs đã gửi lên Sky Governance nhưng không được xét duyệt đúng quy trình. PaperImperium cho biết đây đều là các đề xuất nhằm cải thiện governance và gia tăng giá trị MKR. Tuy nhiên, thay vì được đưa vào quy trình biểu quyết bình thường, các đề xuất này lại có nguy cơ bị bỏ qua và không được xem xét, trong khi một đề xuất khẩn cấp lại được thông qua chỉ sau một đêm.
PaperImperium cũng bày tỏ sự thất vọng rằng quy trình quản trị lâu đời của MakerDAO đang bị phá vỡ. Ông chỉ ra rằng SkyDAO từng được biết đến với một mô hình quản trị minh bạch, tuân theo quy trình chặt chẽ và có bộ quy tắc pháp lý riêng nhưng hiện tại điều đó đang bị đe dọa.
Bên cạnh đó, ông cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục, các nhóm khác trong DAO cũng có thể bắt đầu lạm dụng quy trình khẩn cấp, đẩy SkyDAO vào một vòng xoáy đấu đá nội bộ không hồi kết. Theo PaperImperium, điều mà cộng đồng KHÔNG MUỐN là một cuộc đua quyền lực giữa các phe phái, nơi mỗi nhóm cố gắng thông qua các đề xuất riêng bằng cách dùng số phiếu để áp đảo.
Người sáng lập Sky, Rune Christensen, ngay lập tức lên tiếng bảo vệ quyết định này. Trong một cuộc Community Call được tổ chức vào ngày 19/02, Christensen khẳng định rằng những thay đổi này là biện pháp cần thiết để ngăn chặn một “cuộc tấn công quản trị” được lên kế hoạch từ trước.
Christensen cáo buộc rằng một nhóm nhà đầu tư bao gồm cả PaperImperium, GFX Labs và sàn giao dịch NEXO đang âm thầm tích lũy MKR nhằm kiểm soát hệ thống bỏ phiếu và điều khiển giao thức theo hướng có lợi cho họ.
Bên cạnh đó, ông cũng giải thích rằng những điều chỉnh trong đề xuất này là một phần trong kế hoạch đơn giản hóa hệ thống Seal Engine và cải thiện hiệu quả quản trị của SkyDAO. Seal Engine là một cơ chế quan trọng trong hệ sinh thái, cho phép người dùng thế chấp MKR để vay USDS.
Theo ông, việc loại bỏ phí rút MKR không chỉ giúp giảm bớt sự phức tạp trong quản trị mà còn phản ánh xu hướng chuyển giao quyền quyết định từ các cá nhân nắm giữ SKY sang Core Executors—những người sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và điều phối hệ thống.
Một đoạn tin nhắn bị rò rỉ do cựu thành viên MakerDAO, Sam MacPherson, công bố cho thấy nhóm của PaperImperium đã lên kế hoạch chi tiết để mua lại MKR với giá thấp bằng cách đẩy các khoản vay lớn vào tình trạng thanh lý hàng loạt.
Theo MacPherson, PaperImperium từ lâu đã tìm cách định vị mình như tiếng nói đối lập với SkyDAO nhưng trong tuần vừa qua anh ta đã vượt quá giới hạn khi bắt tay với Nexo, một sàn giao dịch mà MacPherson gọi là “cực kỳ mờ ám”.
Điểm quan trọng nhất trong cáo buộc này là việc nhóm của PaperImperium bị cho là cố tình thao túng giá MKR để đẩy các vị thế thế chấp lớn bao gồm cả những khoản vay của Rune Christensen vào trạng thái thanh lý. Điều này sẽ khiến Rune mất đi lượng MKR mà ông đang thế chấp, từ đó mất luôn quyền biểu quyết quan trọng trong quản trị SkyDAO.
Ngoài ra, một ảnh chụp màn hình khác được tiết lộ đã củng cố thêm nghi vấn rằng nhóm này đã lên kế hoạch nhằm chiếm quyền kiểm soát MakerDAO/SkyDAO với ba bước chiến lược.
Trước tiên, nhóm này dự định mua một lượng lớn MKR để có đủ phiếu bầu, qua đó tác động đến các quyết định quản trị của giao thức. Đồng thời, họ sẽ thay đổi cơ cấu quản lý, làm việc với các nhà phát hành token để thêm tài sản thế chấp mới mà không làm tăng rủi ro. Tiếp theo, Nexo sẽ sử dụng nguồn vốn của mình để mở rộng kết nối với các nền tảng DeFi, thu hút thêm thanh khoản từ bên ngoài, giúp MakerDAO tăng TVL và mở rộng hoạt động cho vay.
Cuối cùng, PaperImperium sẽ trở thành người lãnh đạo thực tế của MakerDAO, đảm nhận vai trò quyết định chiến lược và truyền thông, giúp nhóm này kiểm soát hoàn toàn hướng đi của giao thức. Nếu kế hoạch này thành công, họ sẽ có toàn quyền điều khiển MakerDAO, đúng như cáo buộc trước đó của Rune Christensen và Sam MacPherson về một âm mưu chiếm quyền đang diễn ra trong hệ thống.
Tuy nhiên, Nexo đã nhanh chóng phản hồi trước cáo buộc này, tuyên bố rằng họ không có kế hoạch thâu tóm Sky và từ lâu đã là khách hàng lớn nhất của MakerDAO. Một phát ngôn viên của Nexo tuyên bố: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ sự phát triển lâu dài của Sky và sẽ sớm công bố báo cáo chi tiết về tình hình phân quyền của giao thức.”
Cộng đồng cũng nhanh chóng phát hiện những điểm mờ ám khi Rune Christensen cũng có các khoản vay thế chấp bằng MKR trên Aave và Morpho, nơi các quy tắc về thanh lý và tỷ lệ vay thế chấp (LTV) nghiêm ngặt hơn. Việc SkyDAO thay đổi chính sách vay không chỉ giúp các holder MKR tiếp cận vốn dễ dàng hơn, mà còn tạo điều kiện để Rune rút tài sản khỏi Aave và Morpho, chuyển về SkyDAO, giúp ông giảm nguy cơ bị thanh lý trên Aave và Morpho.
Quan điểm từ góc nhìn bên thứ ba được 0xngmi, nhà sáng lập DeFiLlama, phân tích rằng Rune đang thế chấp một lượng lớn MKR/SKY trên Aave và Morpho để vay vốn, nhưng lại không thể sử dụng số token đó để bỏ phiếu. Vì vậy, mục tiêu của ông ấy là chuyển khoản vay về Maker, nơi ông có thể vừa vay vốn vừa giữ quyền biểu quyết. Điều này giúp Rune củng cố vị thế của mình, khiến những người khác khó có thể tập hợp đủ phiếu để lật đổ ông trong một cuộc tấn công quản trị.
Trong khi đó, nhà sáng lập Framework Ventures, Vance Spencer cũng đã lên tiếng về vụ việc cho rằng:
Vụ việc của Sky không phải là trường hợp đầu tiên trong DeFi chứng kiến những tranh cãi về quyền lực quản trị. Năm 2024, Compound DAO từng vướng phải cáo buộc thao túng khi một nhóm gọi là Golden Boys đã dùng sức mạnh biểu quyết để di chuyển 500.000 COMP (trị giá 24 triệu USD) vào một quỹ kiểm soát bởi chính nhóm này.
Bất chấp những tranh cãi gay gắt xoay quanh vụ việc, giá MKR không hề chịu áp lực tiêu cực, thậm chí còn ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 50% trong tuần qua, từ 992,1 USD lên 1.590 USD tại thời điểm viết bài.
Biến động giá MKR trong 7 ngày qua, ảnh chụp màn hình trên CoinGecko lúc 04:00 PM ngày 23/02/2025
Coin68 tổng hợp
Nguồn: https://coin68.com/de-xuat-khan-cap-sky-makerdao-gay-tranh-cai-ve-quyen-luc-va-quan-tri/