Fed đã tuyên bố rút lại toàn bộ các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động tài sản số và dollar token cho ngân hàng ban hành vào năm 2022 và 2023.
Fed rút lại hướng dẫn giám sát crypto, trao quyền chủ động cho các ngân hàng Mỹ
Theo thông cáo báo chí ngày 25/04, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết đã chính thức hủy bỏ hai văn bản hướng dẫn được ban hành vào năm 2022 và 2023.
Trong đó, thư giám sát năm 2022 từng yêu cầu các ngân hàng thành viên bang phải thông báo trước với Fed nếu muốn tham gia vào các hoạt động liên quan đến tài sản số. Còn thư năm 2023 đặt ra quy trình xét duyệt trước đối với các ngân hàng có ý định triển khai hoạt động liên quan đến dollar token. Giờ đây, cả hai đều bị rút lại.
Thay vì tiếp tục yêu cầu các ngân hàng phải xin phép trước cho từng hoạt động liên quan đến crypto, Fed cho biết sẽ chuyển sang hình thức giám sát thông qua quy trình thông thường tương tự như cách cơ quan này áp dụng với các hoạt động tài chính truyền thống.
Cách tiếp cận mới này được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính, đồng thời mở ra không gian linh hoạt hơn để các ngân hàng thử nghiệm với blockchain, stablecoin và các ứng dụng mới trên Web3. Fed khẳng định:
Có thể thấy Fed đang dần thay đổi cách tiếp cận thay vì giữ lập trường thận trọng yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo trước khi tham gia vào hoạt động tài sản số, giờ đây Fed sẽ chuyển sang giám sát như bình thường. Các ngân hàng Mỹ sẽ được tự quyết định tham gia crypto nếu đảm bảo tuân thủ đúng quy trình nội bộ.
Không chỉ riêng Fed, hai cơ quan quản lý ngân hàng liên bang khác là Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cũng đã đồng loạt gỡ bỏ các chính sách từng được ban hành để hạn chế hoạt động liên quan đến tài sản số.
Cụ thể, cả ba cơ quan trên đã cùng nhau rút lại hai tuyên bố chung ban hành trong năm 2023, vốn được thiết kế để cảnh báo rủi ro khi ngân hàng tiếp xúc với lĩnh vực crypto. Trong quá khứ, những tuyên bố này từng được xem là “làn gió lạnh” đối với nỗ lực tích hợp tiền mã hóa vào hệ thống tài chính truyền thống bởi chúng yêu cầu các ngân hàng phải xem hoạt động crypto là lĩnh vực có rủi ro cao, cần kiểm soát chặt chẽ.
Dù mang tính mở cửa về thể chế, động thái này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ không còn có thể lấy lý do “chưa có hướng dẫn cụ thể” để trì hoãn tiếp cận lĩnh vực tài sản số. Trách nhiệm giờ đây được trao lại cho ban lãnh đạo, bộ phận quản trị rủi ro và đội ngũ tuân thủ nội bộ của từng ngân hàng.
Mỗi tổ chức sẽ cần tự đánh giá xem các hoạt động liên quan đến crypto có phù hợp với chiến lược và khả năng kiểm soát rủi ro của mình hay không. Theo giới chuyên gia, sự thay đổi này có thể tạo động lực cho các ngân hàng tiên phong mạnh dạn thử nghiệm sớm hơn, nhất là trong bối cảnh các stablecoin như USDC, USDT hay các phiên bản dollar token đang dần được chấp nhận như một phương thức thanh toán bổ sung trong hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý vẫn chưa được lấp đầy. Khi các hướng dẫn cũ đã bị rút lại mà chưa có quy định mới thay thế, các ngân hàng Mỹ có thể đang trông chờ vào Quốc hội để ban hành luật cụ thể, qua đó xác định rõ ràng đâu là ranh giới và liệu tài sản số có được công nhận hợp pháp một cách toàn diện hay không.
Tiến trình lập pháp dành cho crypto cũng đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, khi các cơ quan quản lý như SEC bắt đầu chủ động điều chỉnh cách tiếp cận trong phạm vi thẩm quyền của mình. Nhóm chuyên trách về crypto của SEC hiện đang gấp rút xây dựng khung pháp lý thực tiễn và rõ ràng hơn nhằm giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài sản số có thể đăng ký hoạt động hợp pháp, minh bạch hóa thông tin với nhà đầu tư và tối ưu hóa nguồn lực.
Đáng chú ý, quan điểm của SEC về phân loại tài sản số cũng đang có sự thay đổi rõ rệt. Cơ quan này mới đây đã xác nhận rằng các stablecoin “truyền thống” và memecoin sẽ không bị coi là chứng khoán, qua đó mở ra một hành lang pháp lý linh hoạt hơn cho thị trường.
Coin68 tổng hợp
Nguồn: https://coin68.com/fed-rut-lai-huong-dan-giam-sat-crypto-trao-quyen-chu-dong-cho-cac-ngan-hang-my/